Yêu

Một người rốt cuộc có thể yêu một người bao nhiêu. Một người có thể chờ đợi một người bao lâu. Bao nhiêu duyên là đủ? Bao nhiêu nợ mới có thể ràng buộc vào với nhau? Phải đi xa bao lâu để hiểu ra những chân tình ở lại? Mọi thứ giống như những giấc mộng chẳng thể nào thức giấc. Chỉ mong có được một cuộc sống yên bình. Bởi, cuộc sống đã có nhiều khó khăn, mệt mỏi rồi, hãy nhẹ nhàng với nhau thôi.

Cứ mỗi khi tôi nghĩ rằng "Ồ, mình đã hết thật rồi" thì bằng một cách không ngờ nào đó, hoặc là ai đó cảm thấy thương cảm cho tôi mà cầm tay chỉ lối. Tôi nghe người ấy thủ thỉ bên tai bằng những âm điệu ngọt ngào, trầm ấm. Người đó có đôi mắt lấp lánh như ánh sao. Hơi ấm mà người ấy mang lại tựa hồ như ngọn lửa từ nơi bếp củi trong những đêm đông lạnh giá.

Tôi vẫn nhớ chiếc bếp củi đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời đó là chiếc bếp của nội tôi. Nội tôi sinh ra, lớn lên và ra đi tại một làng quê cách thủ đô chắc hẳn hơn 100km. Cả đời nội gắn với những hình ảnh chân quê, chất phác. Khi ấy tôi chỉ là một đứa nhóc 3 hay 4 tuổi, rất ham chơi, ham ăn và nói liên mồm. Hầu như sẽ chẳng có phút nào tôi cho miệng mình có thời gian "mọc da non". Nếu không phải là nói chuyện thì sẽ là ăn quà vặt. Hồi đó, mỗi lần về quê, nội lại đi lựa trứng, chọn ra những quả ngon nhất để nấu cho tôi ăn. Món canh rau ngót nấu với đỗ xanh, cho đến giờ hương vị của nó tôi vẫn còn chưa quên. Để mà nói thì tôi không nhớ rõ về nội tôi, tôi chỉ nhớ dáng vẻ lưng còng, chân đi đôi dép lê, bộ quần áo bà ba, chiếc khăn mỏ quạ, miếng trầu và bát canh rau ngót nấu với đỗ xanh.

Tôi từ khi sinh ra đã luôn ở với gia đình bên ngoại cho nên ký ức của tôi tất thảy đều là hình ảnh của ông bà ngoại và những câu chuyện dở khóc dở cười. Nhà ông bà ngoại tôi thì không có bếp củi. Chỉ thi thoảng ninh xương, nấu cháo, bà sẽ mang ra chiếc bếp than. Bỏ vào hai viên than, châm lửa, quạt cho kỳ lên lửa thì thôi. Mỗi lần thấy bà bắc bếp ra ngoài sân là tôi lại hí hửng đòi quạt cho bà. Sau đó là ngồi canh nồi nước để bà chuẩn bị luộc gà, nấu canh,... Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ nên không phải làm gì, chỉ ngồi cạnh xem chị nấu với làm mấy việc lặt vặt bà sai. Bất kể là đông hay hè, tôi vẫn luôn háo hức với chiếc bếp than của bà. Cho đến khi tôi tới tuổi phải nấu cơm.

Chiếc bếp củi thứ hai tôi thấy đó là chiếc bếp ở nhà bạn của tôi. Tôi hay sang nhà nó chơi bất kể sáng, trưa, chiều hay tối. Và mỗi lần tôi sang, nơi đầu tiên tôi có thể thấy nó đó chính là căn bếp. Hoặc nơi rửa bát. Nói không ngoa, lần nào tôi qua cũng là lúc nó đang rửa bát hoặc nấu cơm. Và đương nhiên, nếu muốn nhanh chóng được mẹ nó cho đi chơi thì tôi phải vào làm giúp nó. Dần dần thành thói quen và như một lời nguyền vậy. Thậm chí đêm 30 Tết, tôi cũng vẫn phải giúp nó rửa bát.

Thế nhưng hơi ấm của căn bếp đó chẳng thể phủ nhận được. 

Sau này, đi Đại học rồi, tuy là tôi không có nhiều cơ hội sang nhà nó nữa, cũng không gặp lại chiếc bếp củi nào, hơi ấm của bếp dần thay bằng tấm chăn bông ấm áp hay vòng tay người yêu, thậm chí là hơi ấm và tiếng rù rù của anh mèo, tôi đều cảm thấy khoan khoái vô cùng.

Đã có nhiều lần kể từ sau khi vấp ngã bởi câu chuyện tình đầy độc hại, tôi tự hỏi rằng rốt cuộc yêu là gì? Tôi không biết. Có thể bạn cũng không biết. Những người bị chữ tình làm khổ... có lẽ cũng chẳng thể hiểu được. Tôi nhận ra bản thân đã từng trẻ con đến nhường nào, đã từng sai lầm đến nhường nào. Nhưng suy cho cùng, bây giờ mới nhận ra không phải đã quá muộn hay sao?

Đừng nói đến ba năm, ở thế giới hiện đại này, chỉ cần một tháng thôi, chúng ta đã có thể lãng quên nhau rồi.

Và tôi không biết bản thân nên làm gì? Liệu rằng sự hối hận này có thể giúp tôi làm điều gì đó không? Tôi trông đợi vào phép màu, hi vọng một ngày nào đó phép màu sẽ thực sự diễn ra. Và khi đó tôi sẽ có thể trực tiếp mà nói lên lời xin lỗi. Hi vọng rằng một ngày nào đó, ta sẽ gặp lại nhau.

Chẳng thể nói hết nỗi lòng này, chỉ xin viết lại đôi dòng, gọi là xử lý cảm xúc.

In the end, I wanna give you a sorry, for all my faults. Wanna be together again...

25/08/21

Cua

Nhận xét

Bài đăng phổ biến